Nghị định 123/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành quy định: hóa đơn giấy sẽ không còn hiệu lực từ 1/7/2022.
Thời hạn chính thức “khai tử” hóa đơn giấy là khi nào?

Ảnh minh họa.
Trước thông tin nhiều doanh nghiệp đang băn khoăn vì không rõ thời hạn bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, cũng như hóa đơn giấy được áp dụng đến khi nào, Nghị định 123/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành mới đây đã thông tin chi tiết về nội dung này.
Theo đó, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ đã bãi bỏ Khoản 2 và Khoản 4 Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoá đơn điện tử tử áp dụng kể từ 01/11/2020.
Trước đó, Điều 35 Nghị định 119/2018 có hiệu lực từ 01/11/2018 nêu: Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định này thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01/11/2020.

TIẾP TỤC ÁP DỤNG HÓA ĐƠN GIẤY ĐẾN BAO GIỜ?
Theo Nghị định 123/2020, kể từ ngày 01/7/2022, các tổ chức, cá nhân phải áp dụng hóa đơn điện tử.
Do việc áp dụng hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ 01/7/2022, nên doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày nghị định này ban hành vẫn tiếp tục được sử dụng đến 30/6/2022.
Như vậy, theo Nghị định 123, việc áp dụng hóa đơn giấy hiện nay vẫn áp dụng đến hạn cuối cùng là ngày 30/6/2022, sau thời điểm này, tổ chức, cá nhân bắt buộc phải chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử.

Lợi ích của việc áp dụng hóa đơn điện tử

– Nếu doanh nghiệp chủ động áp dụng hóa đơn điện tử sớm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý và quản trị doanh nghiệp, từ đó sẽ giảm thời gian, chi phí cho việc kê khai, quản lý, sử dụng, lưu trữ, giao nhận và báo cáo hóa đơn.

– Hạn chế được những sai sót về mất, cháy, hỏng hóa đơn đồng thời giảm những rủi ro và những gian lận khi sử dụng hóa đơn.

– Nâng cao hiệu quả của công tác phân tích, thống kê vào quản lý tài chính, kế toán và kê khai nộp thuế tại doanh nghiêp trên cơ sở tích hợp tích dữ liệu trên hóa đơn với phần mềm kế toán và các phần mềm quản trị doanh nghiệp khác…

– Được hưởng những chính sách giá, khuyến mại tốt từ các nhà cung cấp hóa đơn điện tử. Bởi hiện nay số lượng nhà cung hóa đơn điện tử lớn, nhưng lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử chưa nhiều do luật chưa bắt buộc, nên các nhà cung cấp phải giảm giá và khuyến mại để cạnh tranh…

 


TUẤN VIỆT