Diễn biến của thị trường chứng khoán đặc biệt về mặt thanh khoản có ảnh hưởng đáng kể đối với kết quả kinh doanh của HoSE những năm trở lại đây.

Thường xuyên nghẽn lệnh khiến nhà đầu tư búc xúc, HoSE làm ăn ra sao?

Ảnh minh họa.

Làn sóng nhà đầu tư “F0” tham gia mạnh mẽ vào thị trường đẩy thanh khoản liên tục tăng mạnh khiến hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) bị quá tải gây nghẽn lệnh trong một số phiên cuối năm 2020. Tình trạng này thậm chí còn xảy ra với tần suất cao hơn trong những tháng đầu năm 2021 gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Một số giải pháp đang được tham khảo như chuyển cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX, nâng lô tối thiểu trên HoSE lên 1.000 cổ phiếu hay tạm dừng hủy, sửa lệnh đều vấp phải những ý kiến trái chiều trong giới đầu tư.

Thật khó để lấy lý do thanh khoản tăng đột ngột để bào chữa cho sự yếu kém của hệ thống giao dịch HoSE. Đương nhiên, HoSE cũng thừa hiểu con số giới hạn 900.000 lệnh/ngày trên số lượng 403 cổ phiếu niêm yết là quá khiêm tốn và sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng cao của nhà đầu tư.

So sánh với HNX, dù số lượng cổ phiếu niêm yết ít hơn với 354 mã nhưng giới hạn lệnh của sàn này lên đến 20-30 triệu lệnh/ngày và thực tế là sàn này vẫn đang hoạt động rất “mượt mà” ngay cả khi khối lượng giao dịch của nhà đầu tư tăng đột biến trong làn sóng “F0” thời gian qua.

Thực tế, nguồn thu chủ yếu của HoSE đến từ việc thực hiện thu phí trên giá trị giao dịch của nhà đầu tư tuy nhiên dường như chất lượng dịch vụ đang không theo kịp sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu giao dịch chứng khoán thời gian gần đây.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020, HoSE ghi nhận doanh thu đạt 382 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ trong đó dịch vụ giao dịch chứng khoán chiếm 85% tổng doanh thu, còn lại là các giao dịch niêm yết và hoạt động nghiệp vụ khác. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 238 tỷ đồng tương ứng bình quân mỗi ngày HoSE lãi khoảng 1,3 tỷ đồng.

Có thể dễ dàng nhận thấy, diễn biến của thị trường chứng khoán đặc biệt về mặt thanh khoản có ảnh hưởng đáng kể đối với kết quả kinh doanh của HoSE những năm qua.

Sự khởi sắc của thị trường trong giai đoạn cuối năm 2017 đầu năm 2018 khi VN-Index lên đỉnh lịch sử 1.200 điểm kéo theo thanh khoản được cải thiện đáng kể. Giá trị khớp lệnh trung bình mỗi phiên trên HoSE năm 2018 lên đến 5.570 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm trước. Nhờ đó, HoSE cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục kể từ khi thành lập với 934 tỷ đồng doanh thu và 652 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng tăng 18% và 22% so với năm trước.

Tuy nhiên, thanh khoản đã có dấu hiệu hạ nhiệt một năm sau đó khi giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên giảm 26% xuống còn 4.120 tỷ đồng trong năm 2019 do thị trường gần như chỉ đi ngang sau khi rơi sâu từ đỉnh và không tạo được con sóng nào thực sự đáng kể. Kéo theo đó, doanh thu của HoSE giảm 31% xuống 714 tỷ đồng trong khi lợi nhuận cũng đi lùi gần 38%, đạt 474 tỷ đồng.

Như vậy, dù chưa có số liệu cụ thể năm 2020 tuy nhiên có thể hình dung được kết quả kinh doanh năm qua của HoSE có thể sẽ tăng trưởng mạnh so với năm trước nhờ sự sôi động chưa từng có của thị trường chứng khoán trong nửa sau của năm 2020.

Tính chung trong năm 2020, thanh khoản thị trường tăng trưởng với khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 335,5 triệu cổ phiếu, tăng 83,8% so với cùng kỳ. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên cũng tăng 52,4% so với năm 2019, đạt 6.290 tỷ đồng. Thậm chí con số này còn cao hơn tới gần 13% so với năm 2018.

gtgdvatk scpa


THANH HÀ