27 C
Ho Chi Minh City
Thứ Tư, 15/05/2024

HomeTài ChínhXuất khẩu gạo có cơ hội kiếm bộn tiền trước làn sóng...

Xuất khẩu gạo có cơ hội kiếm bộn tiền trước làn sóng ‘gom’ lương thực

1116

Gạo Việt đang hiện diện ở nhiều thị trường trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: T.L.

Gạo Việt đang hiện diện ở nhiều thị trường trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: T.L.

Trong cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo sáng 21/2, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, dù đối mặt với nhiều thách thức, xuất khẩu gạo năm qua vẫn đạt 7,13 triệu tấn, đạt giá trị 3,45 tỷ USD; tăng 13,8% về số lượng và tăng 5,1% giá trị so với cùng kỳ và tăng trưởng ở tất cả các thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo sang thị trường Philippines. Thị trường EU cũng ghi nhận mức xuất khẩu 95.510 tấn gạo, vượt hạn ngạch 80.000 tấn mà khối này dành cho Việt Nam. Các thị trường truyền thống và trọng điểm như Trung Quốc, châu Phi, Cuba… vẫn tiếp tục ổn định.

Điều đáng nói, gạo Việt đang đi đúng hướng khi giảm tỷ trọng xuất khẩu các loại gạo có chất lượng thấp; đẩy mạnh xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng và các loại gạo có giá trị khác như gạo thơm, gạo nếp…

Ghi nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày 5/2 vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vài năm qua. Cụ thể, loại 5% tấm giao dịch ở 473 USD/tấn, gạo 25% tấm 453 USD/tấn. 

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, trong 2 quý đầu năm, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi… nhìn chung sẽ ổn định do các nước tăng cường dự trữ lương thực và chuẩn bị cho dịp năm mới.

Thị trường nội địa cũng dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao do vụ Thu Đông kết thúc với sản lượng thấp hơn mọi năm; trong khi giữa tháng 3/2023, vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới bước vào cao điểm thu hoạch vụ Đông Xuân 2022/23.

Để tiếp tục xuất khẩu bền vững, việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là rất quan trọng với gạo Việt. Ảnh: T.L.

Để tiếp tục xuất khẩu bền vững, việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là rất quan trọng với gạo Việt. Ảnh: T.L.

Đồng tình với quan điểm giá gạo vẫn sẽ ở mức cao, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Phương Đông cho biết, hiện nhiều quốc gia đang mua để tăng dự trữ quốc gia. Đặc biệt tại Philippines, từ năm 2019 đến nay, nước này chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng gạo đã giúp xuất khẩu gạo Việt sang thị trường này liên tục tăng.

Ở thị trường EU, ông Nguyễn Văn Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật cho biết, các đơn hàng nằm trong danh mục được cấp hạn ngạch 80.000 tấn theo Hiệp định EVFTA sẽ được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn nên doanh nghiệp cần tìm cách gia tăng sản lượng và chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế.

Tại thị trường Trung Quốc, việc nước này mở cửa trở lại cũng là một tín hiệu tích cực cho ngành gạo nước ta, như nhận định của ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, doanh nghiệp Việt “có khả năng hút hàng khi có những hợp đồng lớn”.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương cũng nhận định thị trường vẫn còn nhiều khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao, bất ổn chính trị trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác. Do vậy, để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo sát tình hình thị trường, đồng thời chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại.

Để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do, ông Phan Văn Chinh khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, cần theo sát tín hiệu từ các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc để có ứng biến phù hợp.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến