30 C
Ho Chi Minh City
Thứ Tư, 15/05/2024

HomeCông Nghệ - XeThấy gì từ chuyện BH Media, VTV, Youtube và bản quyền truyền...

Thấy gì từ chuyện BH Media, VTV, Youtube và bản quyền truyền thông số?

1122

Cụ thể, khi một kênh đăng tải video ca khúc này, ở phần mô tả ghi rõ “bên cấp phép BHMedia Inc. (thay mặt cho Hồ Gươm Audio Video) và 1 Hiệp hội bảo vệ quyền âm nhạc”.

“Tiến quân ca” là Quốc ca của Việt Nam, đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc. Do đó, thông tin BH Media sở hữu bản quyền tác phẩm đang gây tranh luận.

Trước sự việc này, BH Media đã thông tin đến truyền thông để giải thích rõ sự việc. Đơn vị này khẳng định, không có chuyện BH Media “đánh gậy bản quyền” mà những hình ảnh được chia sẻ đều là thư thông báo xác nhận tự động của YouTube khi phát hiện sự trùng khớp của “bản ghi”. 

Theo báo điện tử VTV và bản tin của VTV24, không chỉ có những sản phẩm âm nhạc của các tác giả bị sở hữu trái phép mà còn rất nhiều tác phẩm nghệ thuật dân gian hoặc của nhà nước cũng đang “âm thầm” bị khai thác trên nền tảng số.

Ngoài trường hợp của “Tiến quân ca” – Quốc ca, còn có bài dân ca quan họ Bắc Ninh “Giã bạn” khi đăng tải lên YouTube cũng bị BH Media khiếu nại bản quyền. Hay chương trình quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát sóng trên VTV1 cũng bị BH Media nhận quyền sở hữu trên YouTube…

Phản hồi thông tin này, Công ty BH Media khẳng định những “cáo buộc” này của VTV là không đúng. Theo đại diện công ty này, tác giả bài viết “Chiếc gậy” của BH Media, nhận vơ và sự trục lợi bản quyền các tác phẩm trên nền tảng số đăng tải trên báo điện tử www.vtv.vn ngày 4-11 đã không hiểu chính xác về quyền tác giả, quyền liên quan (theo Luật sở hữu trí tuệ), và cung cấp thông tin không chính xác tới bạn đọc, làm ảnh hưởng đến BH Media.

Về thông tin VTV cho rằng BH Media nhận sở hữu bản quyền cả ca khúc “Tiến quân ca”, BH Media khẳng định là không chính xác bởi quyền tác giả của ca khúc vĩnh viễn thuộc về nhạc sĩ Văn Cao. 

Còn bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio bỏ tiền ra sản xuất, theo Luật sở hữu trí tuệ, Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi này và Hồ Gươm Audio đã ủy quyền quản lý, khai thác trên YouTube cho BH Media.

Mặc dù năm 2016, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đề nghị dừng thu phí bản quyền ca khúc Tiến quân ca do gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã có thư hiến tặng cho nhân dân và Nhà nước, nhưng nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, tiền bạc ra làm một bản ghi Tiến quân ca, theo Luật sở hữu trí tuệ, họ là nhà sản xuất, là chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan). Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi của họ đều phải xin phép.

Ở trường hợp cụ thể đang phản ánh thì Hồ Gươm Audio là nhà sản xuất và là chủ sở hữu của bản ghi “Tiến quân ca”, nên tổ chức, cá nhân muốn sử dụng bản ghi này đều phải xin phép Hồ Gươm Audio. Sau khi Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý, khai thác bản ghi này trên YouTube cho BH Media thì tổ chức, cá nhân muốn sử dụng bản ghi này đều phải xin phép BH Media.

Do đó, khi BH Media đưa bản ghi Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio lên YouTube, nếu có ai đó upload video sử dụng chính xác bản ghi này thì YouTube mới gửi thư thông báo xác nhận bản quyền.

BH Media cho biết qua hệ thống, công ty này phát hiện lý do video YouTube VTV1 (Trực tiếp) LỄ QUỐC TANG nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu… bị YouTube khiếu nại về bản quyền là do đây là một video lậu giả danh VTV1, sử dụng bản Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio mà không xin phép.

Về việc khai thác bản ghi Tiến quân ca trên YouTube, BH Media cho biết khi Hồ Gươm Audio ủy quyền cho công ty này quản lý và khai thác trên YouTube, đơn vị này không hề bật nút kiếm tiền, quảng cáo để đảm bảo tính tôn nghiêm cho tác phẩm. Người dân cũng được nghe miễn phí tác phẩm này.

leftcenterrightdel
qaqaq 1
Bài đăng trên fanpage Trung tâm Tin tức VTV24 đang gây chú ý trên mạng xã hội.  

Theo nhiều chuyên gia công nghệ, BH Media hiểu về công nghệ nên đã đi trước một bước khi đăng ký sở hữu nhiều tác phẩm qua hệ thống Content ID – một hệ thống tự động có thể mở rộng của YouTube. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ.

BH Media am hiểu về công nghệ nên đã đi trước 1 bước, đăng ký sở hữu nhiều tác phẩm qua hệ thống Content ID – một hệ thống tự động có thể mở rộng của YouTube. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ. Tuy nhiên, nếu những video không thuộc quyền sở hữu của BH Media nhưng đơn vị này lại là người đầu tiên gắn Content ID vào sản phẩm thì đã vô hình trục lợi trái phép các tác phẩm nghệ thuật.

Content ID là công cụ để chủ sở hữu bảo vệ bản quyền sản phẩm của mình và thu tiền quảng cáo từ Youtube. Đến thời điểm này, không rõ BH Media đã đăng ký quyền sở hữu bao nhiêu tác phẩm và khai thác chúng từ bao giờ?

Liên quan đến bản quyền báo chí, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, hiện nay trang thông tin kết nối cộng đồng vietbao.vn dẫn nguồn tin, bài của Báo Quân đội nhân dân Điện tử mà chưa được sự đồng ý của lãnh đạo Báo Quân đội nhân dân, chỉ được phép dẫn nguồn khi có sự đồng ý bằng văn bản như qui định ghi trên măng sét của báo. 

leftcenterrightdel
banquyen 1
Những tin, bài trên trang vietbao.vn lấy lại mà chưa có sự đồng ý của Báo QĐND. Ảnh chụp màn hình. 

Sự việc rồi đây sẽ tiếp tục được làm rõ nhưng điều đáng suy nghĩ là hiện nay, vấn đề bản quyền trên không gian mạng còn khá nhiều bất cập. Trước đó, công an TP Hồ Chí Minh vừa khởi tố hình sự vụ án xâm phạm quyền tác giả liên quan đến trang web phimmoi.net. Vụ việc gây rúng động bởi phimmoi.net không chỉ là trang web ngang nhiên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng nghìn bộ phim mà còn vì tầm ảnh hưởng là trang web đứng thứ 17 về lưu lượng truy cập tại Việt Nam. Với 60-80 triệu lượt truy cập hàng tháng, những kẻ tổ chức và vận hành trang web này đã thu lợi bất chính từ quảng cáo (chủ yếu là trang web cờ bạc trực tuyến, khiêu dâm) lên đến hàng trăm tỷ đồng suốt chục năm trời tồn tại.

Trong lĩnh vực điện ảnh, cơ quan chức năng đã thống kê được khoảng 200 trang web vi phạm bản quyền. Nếu mở rộng ra các sản phẩm văn hóa khác như: Truyền hình, báo chí, xuất bản, âm nhạc, thời trang… tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta diễn ra quá phổ biến. Tình trạng vi phạm bản quyền không những gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước, mà còn khiến ngành công nghiệp văn hóa chưa thể phát triển đúng như kỳ vọng dù có tiềm năng to lớn. Thiệt hại kinh tế có thể thấy rõ và thống kê được, nhưng có những hệ lụy tai hại không thể đo đếm.

Hiện nay, nước ta đã có Trung tâm Bảo vệ bản quyền số, đây là cơ quan có mục tiêu bảo vệ tác quyền trên môi trường mạng khi mà tình trạng vi phạm bản quyền trên mọi lĩnh vực đang diễn ra hết sức trầm trọng. Trung tâm bản quyền số là tổ chức sự nghiệp KH&CN có nhiều chức năng, nhiệm vụ khác nhau, trong đó có 2 nhiệm vụ chính: Thứ nhất là bảo vệ bản quyền số trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản, cũng như các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong bối cảnh việc vi phạm bản quyền các lĩnh vực này đã rất phổ biến và cũng xâm hại đến lợi ích hợp pháp của những nhà sáng tạo nội dung ở trên mạng. Thứ hai là khai thác bản quyền số nhằm mục đích là phổ biến các sản phẩm số nhiều hơn tới các đối tượng khác nhau trên mạng, đồng thời cũng nhằm mang lại lợi ích chính đáng cho các nhà sáng tạo nội dung.

Mong rằng với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Bảo vệ bản quyền số, đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đẩy mạnh thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Có như vậy mới giữ gìn kỷ cương phép nước, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch; thúc đẩy năng lực sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, trí thức.

HỒNG QUANG (Tổng hợp)

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến