26.2 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 16/05/2024

HomeKinh DoanhXử lý nghiêm đối với các dự án đầu tư điện chậm...

Xử lý nghiêm đối với các dự án đầu tư điện chậm triển khai

1152

Xử lý nghiêm đối với các dự án đầu tư điện chậm triển khai

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Việc đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị mới ban hành. Nghị quyết này cũng yêu cầu xử lý nghiêm đối với các dự án đầu tư điện chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

3f7f5 dien gio
Điện gió đã vượt công suất gấp 5 lần quy hoạch Tổng sơ đồ VII trong khi nhiệt điện than luôn chậm tiến độ. Ảnh: EVN

Mục tiêu của Nghị quyết số 55 mới được ban hành hôm 18-2 là xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định và không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, các vùng miền.

Hiện nay, ngành điện Việt Nam đang đầu tư và phát triển theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (giai đoạn 2016-2030). Tuy nhiên, bản quy hoạch này đã bộc lộ nhiều “lỗ hổng” do thực tế năng lượng tái tạo (điện mặt trời) đã phát triển phá vỡ quy hoạch, điện than lại phát triển chậm so với quy hoạch làm ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng (do các dự án nhiệt điện than có tổng công suất rất lớn), trong khi cơ chế quản lý lại không theo kịp. Nghị quyết trên ra đời sẽ làm cơ sở để Chính phủ và các bộ ngành liên quan định hướng lại, sửa đổi những quy hoạch chưa phù hợp với tình hình mới.

Nghị quyết này yêu cầu đẩy nhanh lộ trình thực hiện điện cạnh tranh (nay đang ở giai đoạn vận hành theo thị trường bán buôn điện cạnh tranh kể từ tháng 1-2019).Theo đó, có cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới và minh bạch giá mua bán điện.

Một điểm rất mới là Bộ Chính trị yêu cầu hệ thống truyền tải điện quốc gia sẽ được vận hành độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc các tổng công ty phát điện (GENCO) sẽ được cổ phần hóa, 5 tổng công ty điện lực đã tham gia mua bán trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh những năm tới. Tập đoàn Điện lực (EVN) và các cơ quan quản lý thuộc bộ sẽ chỉ có chức năng lớn nhất là thay mặt Chính phủ quản lý Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.

Xét tình hình thực tế hiện nay thì trong Tổng sơ đồ điện VII đã có nhiều điểm không phù hợp, Bộ Chính trị yêu cầu:

Đối với điện gió và điện mặt trời, ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng đảm bảo an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước: xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai Chiến lược biển quốc gia.

Đối với các dự án nhiệt điện, khuyến khích các dự án đồng bộ từ khâu cung ứng, lưu trữ nhiên liệu và xây dựng nhà máy trên cơ sở giá bán điện xác định thông qua đấu thầu; phát triển nhiệt điện khí theo hướng ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước; chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí thành nguồn quan trọng, hỗ trợ cho hệ thống điện quốc gia.

Nhiệt điện than chỉ được phát triển ở mức hợp lý, ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao. Sử dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn trở lên, đảm bảo thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Rà soát tổng thể để có kế hoạch nâng cấp công nghệ của các nhà máy điện than hiện có đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Đồng thời kiên quyết đóng cửa đối với các nhà máy không thực hiện nâng cấp công nghệ.

Nghị quyết 55 cũng đề nghị yêu cầu xử lý nghiêm đối với các dự án năng lượng chậm tiến độ, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Trước đó, hồi tháng 10-2019, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành phải thúc đẩy nhanh việc giải quyết hàng loạt cơ chế gỡ khó cho các dự án điện. Nếu không đến năm 2020, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu điện. Hiện tại, 9 dự án nguồn điện của EVN vướng mắc về thủ tục, quy định pháp luật, gặp khó trong triển khai. Trong khi tính đến tháng 6-2019, đã có 82 dự án điện mặt trời với tổng công suất gần 4.500 MW đã đi vào vận hành thương mại, vượt 5 lần mục tiêu phát triển năng lượng mặt trời đến năm 2020 theo Tổng sơ đồ VII.

 

Mời xem thêm:

Vì sao thị trường mua bán điện mặt trời rối loạn?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến