31.2 C
Ho Chi Minh City
Chủ Nhật, 05/05/2024

HomeTài ChínhÔng Nguyễn Xuân Thành: Bất trắc lớn, nhà đầu tư phải canh...

Ông Nguyễn Xuân Thành: Bất trắc lớn, nhà đầu tư phải canh cánh rủi ro lạm phát

1102

 Hai kịch bản của nền kinh tế

Tại toạ đàm về tìm kiếm động lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán năm 2022 mới đây, nhận định về những yếu tố vĩ mô của nền kinh tế trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thành đã đưa ra hai kịch bản.

Ở kịch bản thuận lợi, việc mở cửa nền kinh tế trong nước bền vững, không có giãn cách xã hội rộng như trước đây, các chuỗi cung ứng hồi phục trở lại, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất không tăng…, khi đó tăng trưởng GDP có thể đạt 7,5%.

Tuy nhiên ở kịch bản xấu, dịch bệnh quay trở lại buộc phải giãn cách xã hội, các chính sách tiền tệ bị thu hẹp lại, doanh nghiệp gặp khó…, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ dừng lại ở mức 5%.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành.

Nhìn một cách tổng thể, áp lực lạm phát là bất khả kháng và có thể diễn tiến rất nhanh, xuất phát từ các nguyên do như: sự kích cầu quá mạnh, tiền không đi vào sản xuất mà chảy vào các kênh đầu tư khác; giá năng lượng tăng cao, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng… Khi đó rủi ro sẽ lớn đến với các nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.

Theo ông Thành, ở Việt Nam, lạm phát còn liên quan nhiều đến phương cách mà Chính phủ kích cầu như thế nào. Theo ông, hướng kích cầu tích cực hiện nay là nên dựa vào các chính sách tiền tệ hơn là các chính sách tài khóa như phát hành trái phiếu Chính phủ, chấp nhận vấn đề thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công tăng lên.

Áp lực lạm phát là rất lớn. “Tuy nhiên, tôi không đồng ý với quan điểm: chấp nhận lạm phát cao chút để lấy đánh đổi lấy tăng trưởng”, ông Thành nhận định. Mặc dù hiện tại bài toán quản lý vĩ mô và kiểm soát lạm phát đang tạo uy tín cho cơ quan điều hành chính sách tiền tệ nhưng việc kiểm soát lạm phát lại phụ thuộc vào thị trường có tin vào người điều hành hay không và mức kỳ vọng vào tỷ lệ lạm phát.

“Nếu thông tin là lạm phát 8% thì lạm phát sẽ là 8%. Giống chứng khoán, khi tất cả nghĩ giá tăng thì giá sẽ tăng vì tất cả đều mua vào. Còn nếu nói hiện mục tiêu 4% nhưng thực tế lại chấp nhận 6% thì lập tức lãi suất sẽ tăng lên, lạm phát khó giữ như mục tiêu. Vì vậy, nói lạm phát 4% thì cần giữ đúng như vậy. Điều này sẽ tạo uy tín cho nhà điều hành, tốt cho nền kinh tế và thị trường tài chính”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, bản thân lạc quan về triển vọng kinh tế, ít nhất là đến tháng 4 sang năm, bởi chưa biết rõ gói hỗ trợ mới của Chính phủ sẽ như thế nào. Tuy nhiên, nếu nhà điều hành dựa quá nhiều vào các chính sách tiền tệ và thậm chí tính đến chuyện sử dụng dự trữ ngoại tệ để kích cầu trong nước thì rất nguy hiểm cho lạm phát.

Nhiều lo ngại về khả năng bong bóng trên thị trường chứng khoán.

Nhiều lo ngại về khả năng bong bóng trên thị trường chứng khoán.

Lo ngại về hiện tượng “bong bóng” chứng khoán

 Một thực tế, việc tiền chảy quá nhiều vào thị trường chứng khoán như thời gian qua đã tạo nên luồng dư luận lo lắng về khả năng “bong bóng” với kênh đầu tư này.

Tuy nhiên theo ông Thành, nếu thắt chặt tiền tệ với kênh đầu tư chứng khoán cũng đáng quan ngại. Bài toán cần giải chính là khả năng quản trị rủi ro với các tổ chức tín dụng.

“Nếu thanh khoản tốt vẫn cho vay với kênh chứng khoán. Thị trường chứng khoán mặc dù tăng nhưng có điều chỉnh. Quan trọng nhất là thực hiện trên cơ sở tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị rủi ro tốt và bản thân thị trường có điều chỉnh”, ông cho biết.

Mặc dù chứng khoán đã có giai đoạn tăng trưởng mạnh, tuy nhiên trước áp lực lạm phát, dư địa của chính sách tiền tệ ngày càng hẹp dần, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước nhiều rủi ro có thể xảy ra.

Khả năng thị trường tăng trưởng tiếp hay không còn là ẩn số, tuy nhiên chứng khoán Việt Nam cần những câu chuyện mới, doanh nghiệp mới niêm yết, sản phẩm mới để hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến